1. Home
  2. Blog
  3. Chỉ huy trưởng công trình là gì? Điều kiện hành nghề là gì?
CHỈ HUY TRƯỞNG CÔNG TRÌNH LÀ GÌ?

Chỉ huy trưởng công trình là ai? Có nghiệm vụ và quyền hạn gì trong quá trình thi công dự án xây dựng? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết ngày hôm này của Timelapse SEA. Bắt đầu thôi!

Chỉ huy trưởng công trình là nghề gì?

Chỉ huy trưởng công trình là người đứng đầu và chịu trách nhiệm cao nhất tại công trường xây dựng trong quá trình thi công một dự án. Đây là vị trí thuộc nhà thầu thi công, không phải của chủ đầu tư hay đơn vị tư vấn.

Theo khoản 16 Điều 3 Nghị định 15/2021/NĐ-CP , chỉ huy trưởng công trình là người:

16. Chỉ huy trưởng hoặc giám đốc dự án của nhà thầu (sau đây gọi chung là chỉ huy trưởng) là chức danh của cá nhân được tổ chức thi công xây dựng giao nhiệm vụ quản lý, điều hành hoạt động thi công xây dựng đối với một công trình hoặc gói thầu cụ thể.

 

Nhiệm vụ, quyền hạn của chỉ huy trưởng công trình

Căn cứ Nghị định 06/2021/NĐ-CP (về quản lý chất lượng, thi công công trình) và Thông tư 08/2021/TT-BXD (quy định chi tiết về quản lý thi công xây dựng), nhiệm cụ của chỉ huy trưởng công trình bao gồm:

  • Tổ chức thi công tại hiện trường:

    • Lập kế hoạch và tiến độ thi công chi tiết.

    • Triển khai công việc theo đúng hồ sơ thiết kế, biện pháp thi công và hợp đồng đã ký kết.

  • Quản lý chất lượng công trình:

    • Đảm bảo thi công đúng kỹ thuật, đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn.

    • Giám sát quá trình thi công của các tổ/đội/nhà thầu phụ.

  • Quản lý an toàn lao động và môi trường:

    • Tổ chức thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường theo quy định pháp luật.

  • Phối hợp với các bên liên quan:

    • Là đầu mối làm việc giữa nhà thầu với chủ đầu tư, tư vấn giám sát, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng,…

  • Quản lý nhân lực, vật tư, máy móc:

    • Điều phối công nhân, kỹ sư, thiết bị, nguyên vật liệu hợp lý để đáp ứng tiến độ công trình.

  • Báo cáo và lưu trữ hồ sơ:

    • Báo cáo tiến độ, khối lượng, sự cố (nếu có) cho nhà thầu và chủ đầu tư.

    • Lưu trữ nhật ký công trình, bản vẽ hoàn công, biên bản nghiệm thu…

Quyền hạn của Chỉ huy trưởng công trình bao gồm:

  • Thay mặt nhà thầu tại công trường: Ký các biên bản làm việc với tư vấn giám sát, chủ đầu tư, cơ quan quản lý có liên quan.

  • Điều hành thi công độc lập: Có quyền điều hành toàn bộ hoạt động thi công, sắp xếp nhân sự, vật tư và thiết bị theo nhu cầu thực tế.

  • Tạm ngừng thi công nếu mất an toàn: Có quyền dừng thi công tạm thời khi phát hiện nguy cơ mất an toàn hoặc sai phạm nghiêm trọng.

  • Kiến nghị điều chỉnh thiết kế hoặc biện pháp thi công: Nếu thấy cần thiết để đảm bảo an toàn, chất lượng hoặc tiến độ.

  • Phân công, kỷ luật nội bộ: Có quyền phân công công việc và đề xuất xử lý kỷ luật với nhân sự tại công trường thuộc quyền quản lý.

Điều kiện để trở thành chỉ huy trưởng công trình

Điều kiện để trở thành chỉ huy trưởng công trình

Theo Điều 74 Nghị định 15/2021/NĐ-CP, điều kiện hành nghề của Chỉ huy trưởng như sau:

1. Cá nhân đảm nhận chức danh chỉ huy trưởng công trường phải đáp ứng các điều kiện tương ứng với các hạng như sau: 
a) Hạng I: Có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng hạng I hoặc đã làm chỉ huy trưởng công trường phần việc thuộc nội dung hành nghề của ít nhất 01 công trình từ cấp I hoặc 02 công trình từ cấp II cùng lĩnh vực trở lên; 

b) Hạng II: Có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng hạng II hoặc đã làm chỉ huy trưởng công trường phần việc thuộc nội dung hành nghề của ít nhất 01 công trình từ cấp II hoặc 02 công trình từ cấp III cùng lĩnh vực trở lên; 

c) Hạng III: Có chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng hạng III hoặc đã trực tiếp tham gia thi công xây dựng phần việc thuộc nội dung hành nghề của ít nhất 01 công trình từ cấp III hoặc 02 công trình từ cấp IV cùng lĩnh vực trở lên.

Phạm vị hành nghề của Chỉ huy trưởng cũng được quy định tại Điều 74 như sau: 

a) Hạng I: Được làm chỉ huy trưởng công trường đối với tất cả các công trình thuộc lĩnh vực được ghi trong chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng hoặc thuộc lĩnh vực công trình đã làm chỉ huy trưởng công trường; 
b) Hạng II: Được làm chỉ huy trưởng công trường đối với công trình từ cấp II trở xuống thuộc lĩnh vực được ghi trong chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng hoặc thuộc lĩnh vực công trình đã làm chỉ huy trưởng công trường; 
c) Hạng III: Được làm chỉ huy trưởng công trường đối với công trình cấp III, cấp IV thuộc lĩnh vực được ghi trong chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng hoặc thuộc lĩnh vực công trình đã tham gia thi công xây dựng.

Quy định cấp chứng chỉ Chỉ huy trưởng

Để có thể trở thành Chỉ huy trưởng công trình, cá nhân cần phải được cấp chứng chỉ hành nghề, quy định tại điều  76, nghị định 15/2021/NĐ-CP như sau:

1. Hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề lần đầu, điều chỉnh hạng chứng chỉ, gia hạn chứng chỉ hành nghề, bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề theo Mẫu số 01 Phụ lục IV Nghị định này;
b) 02 ảnh màu cỡ 4 x 6 cm và tệp tin ảnh có nền màu trắng chân dung của người đề nghị được chụp trong thời gian không quá 06 tháng;
c) Văn bằng do cơ sở đào tạo hợp pháp cấp phù hợp với loại, hạng chứng chỉ đề nghị cấp;
Đối với văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp, phải là bản được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định và phải có bản dịch sang tiếng Việt được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam;
d) Chứng chỉ hành nghề đã được cơ quan có thẩm quyền cấp trong trường hợp đề nghị điều chỉnh hạng, gia hạn chứng chỉ hành nghề;
đ) Các quyết định phân công công việc (giao nhiệm vụ) của tổ chức cho cá nhân hoặc văn bản xác nhận của đại diện theo pháp luật của chủ đầu tư về các công việc tiêu biểu mà cá nhân đã hoàn thành theo nội dung kê khai. Người ký xác nhận phải chịu trách nhiệm về sự trung thực của nội dung xác nhận. Trường hợp cá nhân hành nghề độc lập thì phải có hợp đồng và biên bản nghiệm thu các công việc thực hiện tiêu biểu đã kê khai;
e) Giấy tờ hợp pháp về cư trú hoặc giấy phép lao động do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với trường hợp cá nhân là người nước ngoài;
g) Bản sao kết quả sát hạch đạt yêu cầu trong trường hợp đã sát hạch trước ngày nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề;
h) Các tài liệu theo quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản này phải là bản sao có chứng thực hoặc tệp tin chứa ảnh màu chụp từ bản chính hoặc bản sao, xuất trình bản chính để đối chiếu.

Thi chứng chỉ hành nghề Chỉ huy trưởng công trình ở đâu?

Hiện nay, chứng chỉ hành nghề xây dựng được cấp theo hình thức thi sát hạch năng lực, do:

  • Bộ Xây dựng (cấp chứng chỉ hạng I)

  • Sở Xây dựng các tỉnh/thành phố (cấp chứng chỉ hạng II, III)

Việc tổ chức thi được giao cho các Trung tâm sát hạch hoặc các đơn vị được ủy quyền. Các đơn vị được kể tên dưới đây thường phối hợp với Sở Xây dựng/Bộ Xây dựng để tổ chức kỳ thi chứ không tự ý cấp chứng chỉ.

  • Viện Kinh tế xây dựng – Bộ Xây dựng

  • Trung tâm Đào tạo Bồi dưỡng Cán bộ Xây dựng (IEMC)

  • Công ty CP Giáo dục và Đào tạo EduBuild

  • Viện quản lý và phát triển Châu Á (AMDI)

  • Hội Kỹ sư Xây dựng Việt Nam (VSE)

  • Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM

  • Viện Đào tạo và Bồi dưỡng Quản lý TP.HCM (IMT)

  • Trung tâm Kiểm định và Sát hạch nghề nghiệp (thuộc Hội Xây dựng TP.HCM)

  • Công ty CP Đào tạo Việt Xây

Kết luận

Hi vọng sau bài viết này bạn đã có góc nhìn chi tiết nhất về nghề nghiệp Chỉ huy trưởng công trình. Nếu bạn quan tâm đến dịch vụ quay video time lapse bằng camera chuyên nghiệp, hãy liên hệ với Timelapse SEA ngay để nhận ưu đãi miễn phí 1 tháng đầu sử dụng dịch vụ camera timelapse.

Share this content to your social media now!